Chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ trong mùa dịch

    Chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ trong mùa dịch

Giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi được gọi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” ở trẻ. Hơn nữa, thời tiết thay đổi cũng làm 1 số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và bệnh lý về đường hô hấp, viêm não… có cơ hội “tấn công” vào hệ miễn dịch còn non yếu của bé, dẫn đến tình trạng bệnh chồng bệnh.

  1. Hiện nay thời tiết giao mùa, phụ huynh cần lưu ý các bệnh gì trẻ thường mắc vào thời điểm này?

Song song với việc phòng chống dịch COVID-19, ba mẹ cũng cần chú ý phòng các dịch bệnh theo mùa ở trẻ. Đặc biệt, hiện tại đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết vào mùa, nếu để bùng phát sẽ rất nguy hiểm. Triệu chứng thông thường của bệnh sốt xuất huyết:

  • Sốt cao đột ngột lên 39 – 40 độ C trong 2 ngày đầu
  • Có thể xuất huyết ở những vùng da mỏng như da mặt, mặt trong cánh tay, vùng cổ… ngày thứ 3
  • Các trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu…

Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy cơ tử vong.

Giai đoạn đầu nếu trẻ chỉ sốt thì có thể chăm sóc trẻ tại nhà, cho trẻ uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, tạo điều kiện cho trẻ sống thoải mái nhưng cần đưa trẻ đi tái khám để trẻ được xét nghiệm máu, đề phòng nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.

Trẻ nhiễm sốt xuất huyết gặp khó khăn trong chuyện ăn uống do mệt mỏi, vị giác kém. Ba mẹ nên cho trẻ ăn thực phẩm lỏng, chứa nhiều nước như cháo, soup… không nên ép trẻ ăn uống quá nhiều và đặc biệt không nên cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây nhầm lẫn với việc nôn, đi cầu ra máu.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát, các triệu chứng của sốt xuất huyết như sốt, đau mỏi cơ… rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 hoặc cùng lúc trẻ có thể mắc cả 2 loại virus. Khi thăm khám cho bé, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện cùng lúc 2 xét nghiệm để xác định được 2 loại bệnh này vì chúng có biểu hiện triệu chứng gần giống nhau.

  1. Bé yêu không được tiêm ngừa đúng theo lịch hẹn, thậm chí là bỏ qua mũi tiêm do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Liệu điều này có nguy hiểm?

Trong suốt những đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, không riêng gì ở Việt Nam mà ngay tại các nước phát triển như Mỹ và các nước Châu Âu, việc chăm sóc y tế hiện đang bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt, việc tiêm ngừa các bệnh cho trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 36 tháng cũng bị gián đoạn. Tại Hoa Kỳ, thống kê cho thấy tỷ lệ tiêm chủng một số bệnh ở trẻ em bị gián đoạn chiếm tỷ lệ 25%.

Tại TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam, do quy định giãn cách xã hội trong gần 4 tháng vừa qua, việc di chuyển và đi lại gặp nhiều khó khăn, các hoạt động khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện bị hạn chế, kể cả việc chăm sóc sức khỏe và chủng ngừa các bệnh cho trẻ.

Bên cạnh đó, tâm lý lo lắng về nguy cơ lây nhiễm chéo khi đến bệnh viện của nhiều phụ huynh khiến nhiều trẻ không được tiêm chủng, tiêm chủng bị chậm trễ hoặc các mũi tiêm nhắc không được tiêm đúng theo lịch.

  1. Phụ huynh cần chuẩn bị gì khi cho trẻ khám bệnh hoặc tiêm chủng tại bệnh viện trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát?

Nhiều phụ huynh lo lắng về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các bệnh viện, phòng khám hoặc gặp khó khăn khi di chuyển do giãn cách xã hội. Những nguyên nhân này có thể dẫn đến một số trường hợp trẻ bị chậm trễ trong việc điều trị và tiêm chủng theo đúng lịch.

Ba mẹ nên nhớ rằng, trẻ cần được chăm sóc y tế ngay khi trẻ gặp phải các triệu chứng bệnh như: sốt cao kéo dài trên 48 giờ, ho nhiều, ăn uống kém, thở mệt, đau ngực. Đặc biệt, trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi hoặc trẻ có bệnh nền cần phải được thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ chuyên khoa. Khi trẻ đến lịch tiêm chủng hoặc đã trễ hẹn hơn 1 tháng, ba mẹ cũng cần xem xét cho trẻ tiêm ngay khi có thể để tăng cơ hội phòng ngừa các bệnh nguy hiểm.

Trong lúc đại dịch COVID-19 vẫn còn có nguy cơ lây lan, khi đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và tiêm ngừa, ba mẹ cần lưu ý:

  • Gia đình và các bé khi đến nơi công cộng cần phải luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên khi tiếp xúc với bề mặt như: tường, ghế, cầu thang…
  • Người lớn cần hướng dẫn trẻ tránh sờ tay lên mặt, mắt, mũi để đảm bảo không bị lây nhiễm.
  • Hiện tại, hầu hết bệnh viện đã có những quy định về chống nhiễm khuẩn, giữ khoảng cách an toàn, phân luồng, sàng lọc các bệnh lây nhiễm & COVID-19, phòng ngừa lây nhiễm giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa các bệnh nhân bị nhiễm với người lành… nên ba mẹ có thể yên tâm đưa bé đến khám, điều trị hoặc tiêm ngừa ngay khi cần thiết.